TIỀM NĂNG VÀ CẤU TRÚC CỦA NÃO

Ai trong chúng ta cũng có những tính cách và khả năng riêng biệt. Đó là do bộ não của người này khác biệt so với bộ não của người khác về khối lượng và cấu trúc. Cụ thể là khác biệt về hình dạng các thuỳ não, cách xếp nếp trên vỏ não, số lượng các mạch thần kinh.
Bộ phận quan trọng nhất của não, kiểm soát toàn bộ các hành động có ý thức cũng như các hoạt động tư duy và sáng tạo là vỏ não. Vỏ não được chia thành hai bán cầu không đối xứng là bán cầu trái và bán cầu phải. Bán cầu não người có những rãnh sâu chia nó thành bốn thuỳ. Thuỳ trán nằm phía trước vỏ não, gồm các trung tâm vận động, ngôn ngữ và lí luận. Thuỳ đỉnh nằm phía sau thuỳ trán là tâm điểm cảm giác của cơ thể. Thuỳ thái dương nằm dưới thuỳ trán và thuỳ đỉnh, chứa vùng thính giác. Thuỳ chẩm nằm dưới thuỳ thái dương chứa vùng nhạy cảm thị giác. Các thuỳ tương ứng ở hai bán cầu não khác nhau về kích cỡ, phân bố và hình dạng của các nếp nhăn. Chính di truyền của cá nhân kết hợp với hình dạng, độ lớn của thuỳ não, số lượng neuron, số lượng kết nối giữa các neuron và số lượng nếp nhăn của thuỳ não tạo nên tiềm năng của cá nhân.
Bán cầu não trái kiểm soát nửa phải của thân thể và ngược lại. Để có thể phối hợp các cử động của hai nửa thân thể, hai bán cầu được liên kết với nhau bằng một bó sợi thần kinh thể chai. Nếu bó sợi thể chai này bị cắt đứt thì con người có thể gặp khó khăn trong việc phối hợp hoạt động của nửa thân bên phải với nửa thân bên trái.
Mỗi bán cầu não được chuyên môn hoá để đảm nhiệm một số chức năng khác nhau. Bán cầu não trái có vận tốc xử lí nhanh hơn và quản lí việc nói và hiểu ngôn ngữ, kĩ năng tính toán và tư duy lí luận. Bán cầu não phải có vận tốc chậm hơn, chịu trách nhiệm xử lí các mẫu hình ảnh, hoa văn, âm nhạc, các quan hệ không gian và thêm sắc thái tình cảm vào ngôn ngữ. Não trái nhận diện các gương mặt quen thuộc trong khi não phải xử lí thông tin về các gương mặt mới hoặc những vấn đề lạ lẫm.
Xu thế xử lí thông tin của hai bán cầu não khác nhau. Não trái tỏ ra có tính phân tích cao hơn. Nó có xu thế xử lí tin theo chuỗi; mỗi lần một đơn vị. Não phải được coi là bán cầu có tính sáng tạo cao hơn. Nó có huynh hướng xử lí thông tin toàn diện, nghiên cứu thông tin trong một tổng thể. Nó chịu trách nhiệm xử lí những vấn đề mới lạ, những tình huống mới mẻ. Khi tính mới của hiện tượng bị mất đi, thông tin về nó sẽ thành thuộc tính của não trái và khi đã luyện tập nhiều lần, thông tin này có thể được chuyển về tiểu não, nơi quản lí các đáp ứng tự động.
Ở những người thuận tay phải, bán cầu não trái thường lớn hơn và tích cực hơn bán cầu não phải. Bán cầu não trái ở phụ nữ thường to hơn bán cầu phải một cách rõ rệt trong khi ở nam giới bán cầu phải hơi to hơn bán cầu trái một chút. Đây có thể là một trong những nguyên nhân của hiện tượng số các bé trai học kém môn tập đọc ở những lớp đầu tiểu học nhiều hơn các bé gái cũng như các bé trai vận động nhiều hơn (nghịch ngợm hơn) các bé gái.
Đối với những người thuận tay phải, bộ phận kiểm soát ngôn ngữ có lẽ tập trung ở bán cầu trái. Trong khi đó, ở người thuận tay trái (hoặc thuận cả hai tay) – những người này chiếm khoảng 10% dân số – thì bộ phận kiểm soát ngôn ngữ có lẽ nằm ở bán cầu phải hoặc chia đểu cho cả hai bán cầu. Những người thuận tay phải có thể đồng thời ghi chép và nghe giảng trong khi người thuận tay trái gặp khó khăn khi nghe và ghi chép đồng thời, thậm chí một vài người không thể làm được việc này.
Nghiên cứu về não của các nhà bác học chỉ ra rằng tài năng hoặc năng lực của con người trong lĩnh vực nào đó càng lớn thì vùng não quản lí những năng lực thành phần của nó càng có nhiều neuron thần kinh được kết nối với nhau (bằng các sợi thần kinh nhỏ li ti – còn được gọi là đá ong hoá). Tương quan giữa số lượng các mạch thần kinh ở một vùng chức năng cụ thể với kiến thức hoặc khả năng hoặc kĩ năng tương ứng là rất cao. Ví dụ, một hoạ sĩ phải có bán cầu não phải phát triển cộng với các vùng chức năng thành phần (vùng thị giác xử lí thông tin về màu, vùng thị giác quản lí tri giác chiều sâu, vùng thị giác lớp cao và vùng quản lí cử động của cổ tay, bàn tay…) được đá ong hoá cao.
Để một đứa trẻ có những tiềm năng tốt khi ra đời và có thể phát triển chúng thành khả năng và tài năng, mẹ của bé phải chăm sóc sức khoẻ cho bé ngay từ giai đoạn thai nhi, phải biết rõ về sự phát triển của bộ não.
Thai nhi ở tuần tuổi thứ hai mươi có hơn 200 tỉ neuron thần kinh. Sau đó sáu tuần, chỉ còn lại khoảng 50% neuron. Những tế bào thần kinh sống sót được là những tế bào khoẻ mạnh. Hàng tỉ synapse (mối nối giữa các neuron thần kinh) được tạo ra trong quá trình synapse hoá. Trên cơ sở các synapse này, các neuron kết nối với nhau tạo thành các mạch chức năng.
Sau khi chào đời, các synapse mới và các mạch chức năng mới tiếp tục được tạo thành dưới tác động của trải nghiệm. Trong quá trình học hỏi của trẻ, các neuron hình thành những cấu trúc đá ong hoá để ghi lại những kiến thức mới.
Tuy nhiên, bên cạnh quá trình tạo các synapse mới, trong trải nghiệm còn song hành quá trình tỉa bớt các synapse. Sự cạnh tranh giữa các synapse – trong việc dẫn truyền các xung thần kinh tới cơ quan chức năng cụ thể – đã tỉa bớt các synapse kém hiệu quả. Các neuron thần kinh ứng với các synapse bị tỉa bỏ sẽ chết, dẫn đến việc chỉ còn những synapse hiệu quả nhất nối với một số vừa đủ neuron để điều khiển cơ quan chức năng nêu trên. Vì vậy, trong quá trình phát triển, khoảng một nửa các synapse của chúng ta sẽ bị mất đi. Chất lượng bộ não của ta sẽ phụ thuộc vào chất lượng các synapse, vận tốc lan truyền các xung thần kinh cũng như độ phức tạp và độ lớn của vùng chức năng được đá ong hoá.
Trong độ tuổi từ 3 đến 6, não đạt được từ 90% đến 95% độ lớn ở người trưởng thành. Đây là giai đoạn tái cấu trúc các mạch chức năng tại thuỳ trán, nơi đảm trách tổ chức các hành động, hoạch định hành vi và quản lí sự chú ý.
Những dấu hiệu nhận biết tài năng của trẻ bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi từ 3 đến 6. Những khả năng và tài năng được biểu hiện thường hội tụ đủ ba yếu tố. Một là khả năng này được chú ý và dành rất nhiều thời gian để phát triển. Hai là nó có được các mạch cảm xúc chủ chốt được cá nhân hoá và sống sót sau cạnh tranh giữa các synapse. Ba là được rèn luyên (lặp đi lặp lại các hành động này).
Nếu trẻ em không được tiếp xúc và chơi với bạn (do bị doạ nạt, stress hoặc lo lắng) cũng như không được tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển thì những mạch chức năng đúng đắn không được hình thành ở vùng cảm xúc và tác động xấu đến nhận thức. Theo tiến sĩ Bruce Perry (Đại học Y khoa Baylor) sự phát triển của não sẽ giảm 20% do một số cấu trúc của não kém phát triển. Điều này sẽ giảm khả năng học tập của trẻ trong tương lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo